back arrow

Galileo đã giết chết vũ trụ như thế nào?

10 - 11 - 2022

Từ 33:38 trong video này https://youtu.be/lWrqdUo5W4Q cái chết của vũ trụ được lột tả bằng một ví dụ. Vào một buổi sáng bình thường, tất cả chúng ta đều tỉnh táo, không nhậu. Một buổi sáng quang đãng, trời trong và không mây. Tất cả mọi người ở đó đều có thị lực 20/20 và họ cùng ngắm bình minh. Họ thấy rằng mặt trời mọc đằng Đông, đi qua bầu trời và lặn đằng Tây. Cũng vì những quan sát này mà người cổ đại cho rằng Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất, học giả cổ đại nổi tiếng nhất ủng họ quan điểm này là Aristoteles.

Bây giờ thì hầu hết mọi người biết là sai!!!

Ngay cả khi mọi tri giác con người đều hoạt động bình thường, ngay cả khi chúng ta đồng thuận rằng chuyện đang xảy ra là có “thật” thì nó vẫn có thể chỉ là ảo giác vì Toán học nói vậy. Copernicus nhận ra điều này khi ông tính toán quỹ đạo của các hành tinh. Nếu chỉ dựa vào tri giác và đồng thuận của con người để rút ra mệnh đề rằng các hành tinh quay quanh Trái Đất thì con người không thể dự đoán vị trí các hành tinh trên bầu trời. Những ngôi sao trên bầu trời đêm sẽ chỉ là những ánh nến ngẫu nhiên trên một màu đen vô tận. Nhưng nếu ta tin rằng Trái Đất quay quanh mặt trời và quanh trục của chính nó thì mọi tính toán trở nên chính xác hơn.

Ok! Vậy thì đã sao?

Ở đây có một sự ám chỉ rằng nếu Copernicus đúng thì điều đó có nghĩa là cảm quan của con người không còn đáng tin cậy nữa. Tất cả những thứ bạn nghe, nhìn, đụng chạm, ngửi; tất cả những cảm xúc mà bạn trải qua và người thân của bạn trải qua. Tất cả những thứ không thể quy về Toán học đều rất có thể chỉ là ảo giác

Corpernicus
Corpernicus - Bạn không thể tin tưởng vào tri giác của bản thân

Vậy thì phải làm sao khi chính bạn không thể tin tưởng và tri giác của mình?

Đây là lúc Galileo xuất hiện. Ông tin rằng mọi tri giác hay cảm quan của con người đều không đáng tin, đều không thật mà chỉ có ToánKhoa học học mới là cách duy nhất để con người hiểu được thế giới. Tất cả mọi thí nghiệm và quan sát của Galileo được đo đạc và quan sát kỹ càng, mô phỏng bằng số liệu và công thức để rồi Galileo tìm ra được quán tính. Trước Galileo, mọi thứ đều có linh hồn, rằng một hòn đá chuyển động vì linh hồn bên trong nó thúc đẩy. Con người, một sinh vật tâm linh với linh hồn của mình luôn nhìn ra ý nghĩa của vạn vật trong một vũ trụ hoàn thiện và gắn kết. Mọi thứ trong thế giới đó đều mang trong mình một ý nghĩa nào đó. Sau Galileo, một vật chuyển động vì nó bị một lực từ một vật khác tác động. Ở đây hoàn toàn không có sự tồn tại của linh hồn, của mục đích hay ý nghĩa nào hết. Tất cả chỉ nằm trong đầu bạn. Bạn cô độc trên thế giới này, là thứ duy nhất có sự sống và linh hồn trong một thế giới không sống. Vũ trụ là không gian lạnh lùng, vô tận và chết chóc.

Galileo
Galileo - Tất cả mọi thứ đều chỉ là ảo giác, cách duy nhất hiểu vũ trụ là sử dụng Toán học

Và đó là cách mà Galileo giết chết vũ trụ!

Hay ít nhất là ông giết chết cái cách mà con người kết nối với vũ trụ và vật chất. Cái chết này dọn đường cho sự phát triển của Toán học mà sau này nở rộ ra rộng hơn là Khoa học. Nhưng nếu bạn để ý, Galileo vẫn có sơ hở. Vũ trụ chịu một cái chết không hoàn toàn vì mặc dù Galileo đã phủ định thành công quan hệ giữa trị giác đơn thuần với thế giới thì ông vẫn cần phải quan sát, ghi chép, đo đạc và làm thí nghiệm - ông vẫn dùng tri giác. Toán học thực ra là cầu nối giữa thực tế và tri giác. Toán học là một phiên dịch viên.

Tuy nhiên cái chết của vũ trụ có gắn bó mật thiết với tôi.

Lý do là vì những năm đi học tôi học tốt các môn Khoa học, nhất là khoa học tự nhiên mà cụ thể ở đây là Toán Lý Hoá. Tuy nhiên lớn dần thì tôi nhận ra rằng Khoa học không thực sự có một mục tiêu cuối cùng. Bạn có thể sử dụng phản ứng phân rã hạt nhân để tạo bom nguyên tử, giết chết hàng triệu người trong nháy mắt hoặc bạn cũng có thể dùng phản ứng này để chạy máy phát điện, cung cấp khối lượng điện năng vô cùng lớn cho hàng triệu người. Khoa học là công cụ nhưng không quyết định mục đích, là con đường nhưng không quyết định đích đến.

Tôi thường cảm thấy lạc lõng, cô độc, và vô nghĩa; tôi thiếu động lực để làm mọi thứ vì suy cho cùng mọi thứ có vẻ đều như vô nghĩa. Nếu như bạn có một nền tảng văn hoá, tín ngưỡng và giá trị vững vàng bên trong con người bạn, Khoa học sẽ là công cụ đắc lực để bạn vươn tới những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng hầu hết mọi người không như vậy. Hầu hết mọi người sống theo truyền thống, theo thời thượng, theo báo đài, theo bầy đàn, theo giáo điều tôn giáo hay theo giáo điều từ nhà trường. Và như thế với tôi là không đủ tốt. Việc bạn vui vẻ sử dụng những tạo vật của khoa học mà không ý thức được rằng bạn đang bước đi trong một vũ trụ chết mà Galileo và nhiều nhà Khoa học khác xây nên là điều rất ngây thơ giống như việc mù quáng đi theo một xu thế thời thượng.

Vậy tôi là kẻ phản khoa học?

Giống như tôi nói ở trên, khoa học là công cụ và rõ ràng chúng ta không nên nhầm lẫn giữa công cụ với mục đích. Để tìm ra mục đích phù hợp, tôi cần nhận ra cảm quan của bản thân với tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Tôi cần tìm một ý nghĩa hay như Victor Frankl nói lẽ sống để bù đắp, hay vượt qua sự vô nghĩa, hư không sinh tồn khi tôi bị ném (throwness - Martin Heidegger) vào vũ trụ chết của Galileo.